Mới đây, Viện Lúa ĐBSCL đã phối hợp Công ty CP Đại Thành triển khai mô hình trình diễn sạ lúa giống OM380. Toàn bộ quy trình từ khâu bón phân hữu cơ đến gieo sạ đều do máy bay không người lái (Drone Global Check pG100) đảm nhận.
Nông dân kéo đến xem máy bay không người lái sạ lúa
Tại mô hình, lượng hạt giống được gieo theo công thức 100kg/ha. Bên cạnh đó, đơn vị cũng xây dựng mô hình đối chứng bên cạnh với phương pháp sạ thủ công bằng tay, để so sánh hiệu quả về năng suất, sâu bệnh hại và giảm chi phí giữa 2 phương pháp này.
Nói về tính năng nổi bật của máy bay không người lái trong sản xuất lúa, TS. Lê Quý Kha – Cố vấn Khoa học công nghệ nông nghiệp (Công ty CP Đại Thành) cho biết, sử dụng drone mang lại hiệu quả cao cho người vận hành và nông dân sản xuất lúa. Chỉ mất 2 – 4 phút xử lý xong 1ha lúa, trong khi phun xịt theo truyền thống bằng máy nổ (chạy bằng xăng) phải mất 90 phút mới xong 1 ha, với điều kiện công lao động đủ sức khoẻ đeo bình máy nổ.
Lượng nước tiêu tốn cho 1 lần xử lý chỉ mất 10 lít/ha, trong khi phương pháp truyền thống phải mất 300 lít (tối thiểu cho 1 lần phun/ha). Riêng việc tiết kiệm nước ngọt để pha thuốc bảo vệ thực vật đã tiết kiệm công lao động cho người vận hành.
Toàn bộ quy trình từ khâu bón phân hữu cơ đến gieo sạ đều do máy bay không người lái (Drone Global Check pG100) đảm nhận.
Hiệu quả ứng dụng Drone
“Đặc biệt, theo tổng kết của chúng tôi, sử dụng máy bay không người lái, bà con tiết kiệm được 20% lượng thuốc bảo vệ thực vật so với phun truyền thống, do thuốc được cắt nhỏ (đến vài chục Micromet), phun đều 2 mặt lá (không rơi xuống đất), các phân tử thuốc bảo vệ thực vật dễ và nhanh thâm nhập vào tế bào khí khổng của lá, vừa giảm chi phí, vừa giảm thiểu tác hại đến môi trường” – TS. Kha cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng – Trưởng bộ môn Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (Viện Lúa ĐBSCL) cho biết thêm, hiện nay ứng dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng có rất nhiều thiết bị phổ biến như máy sạ cụm, thiết bị bay không người lái (drone).
Việc tích hợp nhiều tính năng vào trong thiết bị drone, có thể thay thế tất cả công việc của bà con nông dân hay hợp tác xã. Qua đó giúp hạn chế được các tác động khi tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo năng suất lúa và tiết giảm nhân công lao động đang thiếu hụt hiện nay.
“Một ngày một máy bay không người lái có thể phun thuốc được vài chục hecta, trong khi nếu thực hiện thủ công, tối đa lao động chỉ có thể thực hiện 5 hecta/ngày. Máy bay không người lái làm việc gấp 10 lần con người, do đó tỷ lệ lợi nhuận của người sử dụng drone sẽ cao hơn” – ông Hoàng cho biết.
Máy bay không người lái cũng như các thiết bị máy móc khác ngày càng được sử dụng phổ biến trên cánh đồng lúa tại ĐBSCL. Ảnh: Đ.T
Máy bay không người lái tại ĐBSCL
Lê Quý Kha cho biết, đối với cây lúa, máy bay không người lái đã thực hiện các công việc sạ lúa, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật ở tất cả các vụ, nhiều địa phương như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang… Ngoài ra, máy bay không người lái cũng đang được áp dụng trên cây điều ở Bình Phước và một số diện tích trồng màu ở ĐBSCL.
Là thiết bị mang hàm lượng chất xám cao, hiện giá bán của 1 máy bay không người lái dao động từ 200 – 400 triệu đồng, tùy loại. Với giá này, các hợp tác xã, những nông dân có diện tích sản xuất lớn hoàn toàn có thể tiếp cận, mua để sử dụng và làm dịch vụ cho thuê.
Nguồn: Báo Dân Việt