Diễn đàn kết nối nông sản là sự kiện được phối hợp tổ chức bởi Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) và Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970. Diễn đàn phiên thứ 14 với chủ đề “Kết nối cung cầu cây ăn trái”.
Đại diện Công ty cổ phần Đại Thành, ông Nguyễn Đức Trường đã có bài chia sẻ với chủ đề “Tối ưu hóa đầu vào sản xuất; nâng cao năng suất và chất lượng nông sản thông qua ứng dụng công nghệ số”.
Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 14 với chủ đề “Kết nối cung cầu cây ăn trái”.
Chương trình được chủ trì bởi lãnh đạo Bộ NN-PTNT và có sự tham gia của các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT; Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp, HTX, người sản xuất, nhà phân phối… Diễn đàn phiên 14 diễn biến với mục tiêu nắm bắt thông tin tổng quan tình hình sản xuất, tiêu thụ cây ăn trái, rau quả và đề ra giải pháp nâng cao chất lượng cây ăn trái vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trong thời gian tới.
Khai mạc Diễn đàn kết nối nông sản 970
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối Nông sản 970 – ông Nguyễn Ngọc Thạch mong muốn các đại biểu đề xuất nhiều ý kiến đóng góp để đưa ra được các giải pháp đồng bộ, đột phá nhằm phát triển bền vững ngành hàng rau quả.
Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch phát biểu khai mạc Diễn đàn kết nối cung cầu cây ăn trái. (Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam)
“Tôi mong rằng Diễn đàn sẽ trở thành kênh đối thoại quan trọng và hiệu quả giữa các nhà quản lý; nhà sản xuất, chế biến; doanh nghiệp kinh doanh tiêu thụ các mặt hàng nông sản nói chung và rau quả nói riêng”, ông Nguyễn Ngọc Thạch nói.
Áp dụng công nghệ giúp giảm chi phí, tăng năng suất, hiệu quả
Đại diện Công ty cổ phần Đại Thành tham gia diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên 14.
Đại diện Công ty cổ phần Đại Thành chia sẻ tại diễn đàn việc công ty áp dụng nhiều biện pháp giúp nâng cao giá trị ngành hàng rau quả. Việc ứng dụng này đã tiến hành từ những năm 2016. Đến nay, công ty đạt được các thành tích trong canh tác như giảm tỷ lệ lao động con người; tăng tỷ lệ máy móc tham gia vào các khâu: cây, con, giống; kiểm soát toàn bộ các khâu để tiện cho truy xuất nguồn gốc.
Tổng Giám đốc công ty, ông Nguyễn Đức Trường cho biết: “Hiện Công ty áp dụng máy bay không người lái (drone) để gieo hạt, giảm mạnh chi phí cho nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Việc này giúp bà con nông dân nâng cao năng suất nông sản; có thể bán được giá hơn; giảm chi phí sản xuất; từ đó gia tăng giá trị lợi nhuận.”
Máy bay nông nghiệp không người lái của công ty cổ phần Đại Thành.
Hệ thống trang thiết bị công nghệ ứng dụng nông nghiệp
Ngoài ra, theo ông Trường chia sẻ, khi áp dụng máy bay viễn thám để thu thập dữ liệu sâu bệnh, cỏ dại, có khả năng dự báo năng suất, giúp nông dân chủ động trong tiêu thụ. Phương tiện này đã áp dụng hiệu quả tại Bắc Giang, trong việc dự báo 250.000 tấn vải được thu hoạch đúng mùa vụ. Và một số công nghệ hữu ích như thiết bị giám sát côn trùng, đo độ PH, giúp nông dân kiểm soát sâu bệnh. Máy bay nông nghiệp không người lái ứng dụng tính năng tích hợp 3 trong 1: Bón phân, Gieo hạt và Phun thuốc; giúp bà con nông dân tiết kiệm rất nhiều chi phí sản xuất đầu vào.
Các thiết bị này được liên kết thông qua hệ thống DtsmartAG; có khả năng kết nối được cả với smartphone, giúp nông dân ít phải ghi chép mà vẫn kiểm soát được toàn bộ quá trình. Bao gồm cả hàm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
“Người mua nông sản theo dõi được hàng ngày, biết được nguồn gốc rõ ràng, đây là khâu quan trọng để tiếp cận khách hàng. Chúng tôi đang triển khai mạnh ở đồng bằng sông Cửu Long và bước đầu đã nhận được sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn”, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đại Thành chia sẻ.
⋙ Xem thêm: Máy bay nông nghiệp không người lái ứng dụng sản xuất.
Giải pháp ứng dụng cho mô hình canh tác nhỏ lẻ
“Cạnh tranh thông qua chất lượng, năng suất tăng, trong khi giá bán không tăng do giảm chi phí đầu vào. Tôi nghĩ đây là cách cạnh tranh hiệu quả, không tốn kém tiền thuê lao động thủ công lại còn mang tính lâu dài, bền vững”, ông Nguyễn Đức Trường cho biết.
Vấn đề cần giải quyết hiện tại là có thể áp dụng hệ thống thiết bị công nghệ với mô hình canh tác nhỏ, lẻ hay không? Theo đại diện công ty cổ phần Đại Thành, các hộ nông dân có thể liên kết cùng thuê dịch vụ để giảm chi phí đầu tư máy móc mà vẫn đạt được hiệu quả sản xuất cao.
Nhà nông có thể áp dụng linh hoạt theo từng nhu cầu sản xuất. Với từng quy mô sản suất sẽ ứng dụng thiết bị khác nhau. Ví dụ, với nhà nông sản xuất lúa, có thể sử dụng máy bay không người lái kết hợp máy móc nông nghiệp; Với nhà nông làm về truy xuất nguồn gốc, thì chỉ cần trạm giám sát.
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam.